Sản phẩm

Bài viết chi tiết

Túi xách từ vỏ mỳ tôm

Đầu tháng 2, cô Thảo hưởng ứng sự kiện "Tuần lễ bảo vệ môi trường" do trường khởi động, nghiên cứu ý tưởng tái chế. Sau khi cân nhắc một số vật liệu như chai nhựa, nylon, cô giáo chọn vỏ mì tôm vì độ mềm, độ bền cao, màu sắc bắt mắt để làm đồ tái chế. Mì tôm là thực phẩm ứng dụng cao, được sử dụng thường xuyên trong đời sống nên dễ thu gom vỏ với số lượng lớn.

Để có nguyên liệu làm sản phẩm, Linh và Tùng liên hệ với khu dân cư xin lại vỏ mì tôm, phở, cháo ăn liền. Lúc đầu, mọi người tưởng học sinh đùa, chỉ là trò nghịch ngợm của trẻ con nên không để tâm. Sau đó, Linh phải đến một số gia đình để giải thích về dự án của mình. Bố mẹ em cũng lấy làm lạ khi Linh mang vỏ mì về nhà, chất thành một góc lớn trong bếp nhưng không cấm cản, kiên nhẫn nghe con gái giải thích về dự án.

Để sử dụng được, vỏ mì phải được cắt ngang miệng, không xé dọc. Sau khi phân loại, học sinh làm sạch bằng giấy lau. "Có lần, em nhận rất nhiều vỏ mì do hàng xóm mang đến nhưng phải bỏ đi gần hết do thói quen xé dọc gói mì", Linh kể.

Lúc dự án thành hình và "chập chững" đi những bước đầu tiên, nhiều người nói cô Thảo "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", "chắc rảnh lắm nhỉ?". Cô giáo thừa nhận, nếu bảo không tổn thương là nói dối. Thế nhưng sự quyết tâm, mong muốn góp phần bảo vệ môi trường, làm thiện nguyện từ việc nhỏ nhất thôi thúc cô theo đuổi dự án.

Khi đủ số lượng vỏ mì, cô trò sẽ cắt đi cạnh cứng, có răng cưa. Phần thừa này được học sinh thu gom lại rồi chuyển cho Công ty tái chế Rác là vàng, tránh xả ra môi trường, sau đó cuộn tròn phần vỏ mì còn lại thành những que dài. Cô Thảo sẽ nhận các que này từ học trò và trực tiếp đan, hoàn thành sản phẩm.

Các sản phẩm hoàn toàn được làm từ vỏ mỳ tôm. Ảnh: Thanh Hằng